Nắm rõ tất tần tật về thủ tục mua xe ô tô cũ chỉ trong 5 phút

Bạn có thể mất vài tháng để loay hoay với việc mua bán xe nếu không nắm rõ thủ tục mua xe ô tô cũ trước khi mua xe. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về những vấn đề người mua xe ô tô cũ cần quan tâm và quy trình làm thủ tục mua bán ô tô cũ.

1. Mua xe ô tô cũ cần quan tâm điều gì?

Việc mua một chiếc ô tô cũ đã qua sử dụng ngày càng được nhiều người quan tâm bởi chi phí rẻ, thủ tục đơn giản, tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc mua xe mới. Có ba điều người mua cần quan tâm trước khi làm thủ tục mua xe ô tô cũ bao gồm: đánh giá tình trạng xe, định giá xe và xem xét hợp đồng mua bán.

1.1. Đánh giá tình trạng xe

Đánh giá tình trạng xe là bước vô cùng quan trọng mà người mua xe ô tô cũ không nên bỏ qua. Việc này sẽ giúp khách hàng xác định tình trạng hiện tại của chiếc xe như thế nào trước khi đưa ra quyết mua mua hay không.

1.1.1. Kiểm tra ngoại thất

Quan sát tổng thể chiếc xe, đánh giá tình trạng sơn xe để biết xem xe đã gặp va chạm gì chưa, nếu đã va chạm thì dấu vết để lại khá rõ ràng như các vết xước lớn, hoặc quan sát kỹ xem xe có bị sơn lại hay thao tác phục hồi để che vết xước không để tránh bị lừa.

Lớp sơn mới luôn có thể nhận ra bằng mắt thường, nhất là khi chỉ được sơn một phần. Lớp sơn mới thường không đồng nhất với lớp sơn nguyên bản của xe về màu sắc và độ mịn. Nếu được sơn lại nhiều lớp thì màu sắc sẽ không được sắc nét và có nhiều bụi sơn.

Ngoài ra, xe nếu đã bị va chạm phải tháo rời các bộ phận để mang đi sơn lại, gò chỗ bị méo, nắn lại khung. Sau khi được lắp ráp lại sẽ tạo ra các khe hở, lệch lạc, vênh váo.

Quan sát phần taplo nếu có vết xước chứng tỏ chủ xe đã cho thay kính (thường do vỡ, hoặc rạn). Đa phần kính xe đã bị thay thế sẽ không đồng nhất với năm sản xuất của xe hoặc không phải hàng chính hãng (không có logo).

Kiểm tra đèn xe, nếu một bên mới, một bên cũ chứng tỏ đã có sự thay thế. Ở chân đèn pha chỉ cần va chạm nhỏ, chân đèn sẽ bị gãy và phải hàn lại nhựa.

1.1.2. Kiểm tra nội thất

Quan sát tỉ mỉ các chi tiết trong xe, bao gồm: cần số, tay mở cửa, lớp sơn bên trong xe, … Nếu bị bạc màu thì chứng tỏ chủ cũ sử dụng xe thường xuyên. Bật tắt các thiết bị như điều hòa, cần gạt, điều chỉnh cửa lên xuống để đánh giá xem các tính năng trên còn hoạt động tốt không? Nếu các tính năng trên không còn hoạt động tốt thì có thể thương lượng giá xuống thấp.

1.1.3. Kiểm tra lốp và bánh xe

Thứ nhất, quan sát các lốp xe có bị mòn không qua bằng cách nhìn vào các khe trên lốp có nông không. Nếu lốp xe mòn chứng tỏ chủ cũ không quan tâm đến việc chăm sóc, bảo dưỡng, kiểm tra xe định kỳ.

Thứ hai, quan sát các lốp xe khi đứng yên có có thẳng trục không. Nếu không, điều đó chứng tỏ chiếc xe đã xảy ra các vụ va chạm, ảnh hưởng đến kết cấu của xe.

1.1.4. Kiểm tra khoang máy

Tiếp theo cần kiểm tra đến khoang máy của xe, chủ yếu là quan sát két nước ô tô, dầu máy và đánh giá tình trạng nguyên bản của động cơ.

Chú ý quan sát két nước có đủ nước làm mát hay không, có xuất hiện các vết bám trong bình không? Nếu két nước thiếu nước thường xuyên, khiến động cơ của xe không được làm mát hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới động cơ chứng tỏ chủ xe cũ không quan tâm đến xe.

Kiểm tra khoang máy

Bên cạnh đó, kiểm tra dầu xe xem lượng dầu trong xe có đủ không và xem độ sạch và độ nhớt của dầu. Khi xe đủ dầu và được thay dầu định kỳ mới đảm bảo bộ phận động cơ xe hoạt động tốt và ổn định.

Quan sát những con ốc vít trong khoang máy, nếu còn lớp sơn thì chứng tỏ chưa tháo dỡ, nếu có các vết xước thì chứng tỏ đã dùng cờ lê để tháo dỡ hoặc thay thế.

Cuối cùng, quan sát kỹ càng nếu có bộ phận nào trong khoang máy trông có vẻ mới hơn chứng tỏ đã được thay thế.

1.1.5. Chạy thử

Người mua cần chạy thử để đánh giá các tính năng như phanh xe, trợ lực lái, khả năng tăng tốc, độ trơn tru khi vào số, …

Các trường hợp không tốt là đánh lái nặng, khởi động kém, phanh không ăn, tăng tốc chậm, khói xe có màu bất thường, khi vào số có tiếng kêu bất thường … Những lỗi về động cơ như khả năng tăng tốc, khả năng khởi động và màu khói xe… có thể là dấu hiệu của việc động cơ xe đã xuống cấp cho nên người mua cần chú ý để tránh bị mua đắt.

Chạy thử

1.2. Cách định giá xe ô tô cũ

Vậy làm thế nào để định giá cho ô tô cũ?

Có rất nhiều cách để định giá một chiếc xe ô tô cũ. Tất cả xe ô tô đã qua sử dụng đều phải giảm giá trị sau thời gian sử dụng mặc dù chủ xe rất ít dùng. Giá bán một chiếc ô tô cũ chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố như số km đã đi, tai nạn … Tham khảo hai cách định giá dưới đây:

– Định giá xe theo giá thị trường: Kiểm tra lại đời xe như số km di chuyển, động cơ, hộp số. Sau đó tìm các mẫu xe có số km tương tự hoặc chênh lệch dưới 5000km để tham khảo mức giá phù hợp. (Chú ý chọn những trang tin chuẩn và tham khảo nhiều trang để có mức giá tiêu chuẩn.

– Định giá xe theo thời gian sử dụng:

Công thức:

Giá bán xe cũ = Giá xe mới x (1 – a%)

Trong đó: a là khấu hao theo năm )

Năm đầu tiên sẽ khấu hao nhiều hơn so với các năm sau. Thông thường, ô tô sẽ mất 10% giá trị so với năm trước. Khấu hao năm đầu tiên, nếu là xe Toyota, khấu hao là 15%. Các hãng xe khác, khấu hao là 20-25%.

Ví dụ: Một chiếc xe Mercedes mua năm 2021, muốn bán năm 2022, đã đi khoảng 18.000 km. Giá mới hiện nay là 2,4 tỷ.

Giá bán lại sau 1 năm sử dụng = 2,4 x (1-20%) = 1,92 tỷ

Lưu ý: Giá trị của ô tô cũ nên tính theo giá trị của xe sau khi đã hoàn thành các thủ tục giấy tờ. Giá trị khấu hao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy từng trường hợp người mua có thể tính giá cho hợp lý nhất.

1.3. Hoàn tất hợp đồng mua bán

Trước khi ký vào hợp đồng mua bán, bạn cần đọc kỹ các điều khoản để tránh gặp bất lợi trong các vấn đề mâu thuẫn. Về cơ bản, một bản hợp đồng mua bán ô tô cũ sẽ có các điều khoản dưới đây:

– Thông tin cá nhân: Chứa thông tin của người mua và người bán

– Đối tượng của hợp đồng: Thông tin về chiếc xe được mua bán (Biển số, nhãn hiệu, giấy tờ đăng ký, …)

– Giá mua bán và phương thức thanh toán: Hai bên đàm phán và thỏa thuận về mức giá chính xác giao dịch.

– Thời hạn, địa điểm và phương thức giao xe: Hai bên trao đổi về giao xe (có thể ngay sau khi ký kết hợp đồng).

– Quyền sở hữu đối với xe mua bán: Quyền sở hữu ô tô được chuyển từ người bán sang cho người mua sau khi hoàn thành thủ tục mua bán xe ô tô thành công.

– Nộp thuế và lệ phí công chứng: Thống nhất quyết định vấn đề nộp thuế thuộc về bên nào.

– Phương thức giải quyết tranh chấp: Quy định rõ cách giải quyết tranh chấp khi phát sinh.

– Cam đoan của các bên: Lời cam kết của cả người mua và người bán về tính chân thật của các thông tin được ghi trong hợp đồng.

– Một số điều khoản khác như là hiệu lực của hợp đồng hoặc thời hạn chấm dứt hợp đồng mua bán.

Mẫu hợp đồng mua xe ô tô cũ

2. Thủ tục mua bán xe ô tô cũ

Thủ tục mua xe ô tô cũ hiện nay khá đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và thực hiện theo quy trình dưới đây thì chỉ mất vài ngày là hoàn thành.

2.1. Các loại giấy tờ cần chuẩn bị:

Người bán Người mua
– Căn cước công dân

– Sổ hộ khẩu

– Giấy đăng ký xe ô tô

– Sổ đăng kiểm ô tô

– Bảo Hiểm (nếu còn hạn)

– Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân

– Giấy chuyển quyền sở hữu

– Căn cước công dân

– Sổ hộ khẩu

2.2. Công chứng hợp đồng bán xe

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hai bên tiến hành làm hợp đồng mua bán xe tại phòng công chứng tư. Tại đây các tư vấn viên sẽ hướng dẫn các thủ tục mua xe ô tô cũ và soạn thảo hợp đồng.

Hai bên đọc kỹ các điều khoản hợp đồng và ký hợp đồng. Phòng công chứng sẽ xác nhận, đóng dấu và thu phí. (phí này dựa trên giá trị mua bán trong hợp đồng).

Hợp đồng bao gồm 3 bản chính, mỗi bên giữ một bản, hoàn tất hợp đồng mua bán.

Lưu ý: Nếu hợp đồng mua bán thực hiện ngoài tỉnh, người bán phải rút toàn bộ hồ sơ gốc từ cơ quan công an nơi đăng ký để thực hiện thủ tục chuyển vùng, sang tên đổi chủ cho người mua.

2.3. Đóng thuế trước bạ

Nộp thuế trước bạ là bước bắt buộc khi làm thủ tục mua xe ô tô cũ. Chủ xe mang theo hợp đồng mua bán đã công chứng, giấy tờ xe đến Chi cục Thuế nơi mình sinh sống để nộp thuế trước bạ.

Mức lệ phí trước bạ cho xe ô tô cũ là 2% giá trị xe ở thời điểm hiện tại.

Công thức:

– Lệ phí trước bạ ô tô cũ = Giá bán niêm yết x giá trị xe ô tô còn lại x 2%

Giá trị còn lại của ô tô được tính như sau:

Thời gian sử dụng Giá trị còn lại của ô tô
1 năm 85%
1-3 năm 70%
4-6 năm 50%
6-10 năm 30%
Trên 10 năm  20%

Ví dụ: Khách hàng mua ô tô mới vào năm 2015 với giá 800 triệu đồng và muốn bán vào năm 2019.

Lệ phí trước bạ = 800 x 50% x 2% = 8 triệu đồng

2.4. Làm thủ tục sang tên đổi chủ

Người mua đến Phòng Cảnh sát giao thông tại nơi sinh sống, khi đi mang theo toàn bộ hồ sơ và hóa đơn, chứng từ đã nộp thuế trước bạ.

Điền đầy đủ thông tin vào Tờ khai đăng ký xe, để trống phần số khung và số máy. Cán bộ kiểm tra và ghi số khung, số máy lên tờ khai hoàn tất thủ tục.

Người mua đóng lệ phí cấp biển và lấy giấy hẹn cấp Đăng ký xe mới. (Trường hợp mua xe khác tỉnh, người mua sẽ được cấp biển số ngay và chỉ phải chờ ngày lấy đăng ký xe).

Lưu ý: Địa điểm đăng ký xe thường là Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh. Đối với người mua thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, … đăng ký tại Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt.

2.5. Khám lưu hành và đổi sổ lưu hành

Trường hợp giao dịch mua bán được thực hiện cùng tỉnh thì người mua có thể sử dụng xe đến thời hạn lưu hành ghi trên sổ đăng kiểm và tem kiểm định.

Trường hợp giao dịch mua bán được thực hiện khác tỉnh thì sau khi lấy đăng ký xe mới, người mua phải đến trạm đăng kiểm để khám lưu hành xe và đổi sổ lưu hành.

Xem thêm: 

3. Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi băn khoăn của nhiều người có nhu cầu mua xe cũ.

3.1. Mua ô tô cũ không sang tên có được không?

Nhiều người thường cảm thấy ái ngại khi làm các thủ tục mua xe ô tô cũ vì sợ rườm rà và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên vấn đề chuyển quyền sở hữu là hoàn toàn bắt buộc (theo Điều 6, Thông tư 15/2014/TT-BCA) để đảm bảo các quyền lợi về giao dịch pháp lý liên quan đến tài sản.

Trường hợp đã hoàn thành giao dịch mua bán nhưng không chuyển quyền sở hữu trong vòng 30 ngày sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.

3.2. Mua ô tô cũ không đăng kiểm có được không?

Theo thông tin từ Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, phương tiện khi chuyển vùng chỉ phải làm thủ tục chuyển vùng đăng ký, đổi biển số xe, còn không phải thực hiện thủ tục liên quan hồ sơ đăng kiểm.

Do đó, khi mua xe ô tô cũ không phải đăng kiểm lại và được tham gia giao thông theo thời hạn trên giấy chứng nhận, tem kiểm định đã được cấp trước đó.

Tóm lại, việc mua xe cũ đã qua sử dụng giúp người mua không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn nhanh chóng có xe sử dụng ngay. Để tránh mất tiền oan vì mua phải những chiếc xe kém chất lượng, bạn cần kiểm tra kỹ tình trạng của xe để có cơ sở thương lượng với mức giá tốt nhất.

Ngoài ra, bạn nên đọc kỹ các điều khoản hợp đồng và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để thủ tục mua xe ô tô cũ được diễn ra nhanh chóng.

(*) Lưu ý nội dung của bài viết thể hiện quan điểm của người viết. Ban biên tập không chịu trách nhiệm nếu người dùng sử dụng nội dung bài viết để trở thành căn cứ cho những tác nghiệp nào đó (mua xe cũ, bán xe cũ, chọn xe cũ). Ban biên tập chỉ cố gắng cung cấp thêm các góc nhìn cho người dùng thêm thông tin để quyết định lựa chọn sản phẩm phù hợp với cá nhân người dùng.

MUA XE CŨ TỪ TOYOTA SURE CÓ LỢI NHƯ THẾ NÀO?

Bảo hành chính hãng

Toyota Sure cấp Bảo hành chính hãng trên toàn quốc theo tiêu chuẩn của Toyota Việt Nam trong thời hạn 01 năm hoặc 20.000 km cho động cơ và hộp số, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Lịch sử bảo dưỡng đầy đủ

Xe mua tại Toyota Sure đều kèm theo lịch sử bảo dưỡng đầy đủ tại các Đại lý ủy quyền của Toyota trên Toàn quốc

Hơn 78 đại lý trên toàn quốc

Hệ thống đại lý rộng khắp các tỉnh thành giúp bạn có nhiều lựa chọn và dễ dàng đến xem xe, cũng như bảo dưỡng, sữa chữa trong quá trình sử dụng.

176 hạng mục kiểm tra

Mỗi chiếc xe đã qua sử dụng mang thương hiệu Toyota Sure sẽ phải trải qua công đoạn kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt và toàn diện với 176 hạng mục kĩ thuật bởi các chuyên gia của Toyota

GIỚI THIỆU BẠN BÈ

scroll to top