Túi khí ô tô có thể hạn chế nguy cơ bị thương nặng và tử vong cho người trên xe tới 30%. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ cách sử dụng túi khí khiến chúng không bung ra khi va chạm. Dưới đây là 6 lưu ý khi sử dụng túi khí để có thể đảm bảo an toàn nhất.
1. Những điều cần biết về túi khí ô tô
Theo thống kế của Ủy ban An toàn giao thông nước Mỹ, túi khí ô tô đã cứu được hơn 25 ngàn người khi xảy ra tai nạn trên khắp nước Mỹ trong vòng 21 năm.
1.1 Túi khí ô tô là gì?
Hệ thống túi khí tên tiếng Anh là Supplemental Restraint System (SRS). Đây là một thiết bị thụ động được trang bị trên ô tô để hạn chế va đập gây tổn thương cho người ngồi trên xe khi có va chạm xảy ra.
Theo các thống kê tại Mỹ, hệ thống túi khí giúp hạn chế nguy cơ thương vong lên đến 30%. Khi xe gặp sự cố nguy hiểm, hệ thống túi khí sẽ phồng lên rất nhanh để tạo thành đệm hơi giúp làm giảm chấn thương cho người ngồi trong xe và sẽ nhanh chóng xẹp đi. Tại một số quốc gia, túi khí được coi là trang bị bắt buộc trên xe ô tô bên cạnh dây đeo an toàn.
– Cấu tạo
Hệ thống túi khí xe ô tô gồm 3 phần chính: hệ thống cảm biến, bộ phận kích nổ và túi khí.
– Hệ thống cảm biến gồm cảm biến gia tốc, cảm biến va chạm, cảm biến áp suất sườn, cảm biến áp suất phanh, cảm biến trên ghế, con quay hồi chuyển. Tất cả các cảm biến này kết nối với bộ điều khiển túi khí. Khi xảy ra va chạm, hệ thống sẽ kích hoạt một loạt các cảm biến để hoạt động túi khí giúp bảo vệ người lái và hành khách.
– Bộ phận kích nổ có vai trò tạo ra khí để làm phồng túi khí và kích nổ khi có va đập xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe.
– Túi khí được sản xuất bằng các loại vải có độ bền cao, co dãn tốt và được gấp, xếp gọn gàng vào các vị trí theo cấu tạo xe. Khi có va chạm, túi khí nạp hơi rất nhanh để tạo ra hệ thống đệm cho người ngồi trong xe nhằm bảo vệ và hạn chế chấn thương.
– Nguyên lý hoạt động
Khi va chạm chính diện hay bên sườn đều kích hoạt một loạt các cảm biến của xe bao gồm cảm biến gia tốc, cảm biến va chạm, cảm biết áp suất sườn, cảm biến áp suất phanh, con quay hồi chuyển, cảm biến trên ghế. Tất cả những cảm biến này cùng kết nối chặt chẽ tới bộ điều khiển túi khí ACU – bộ não đặc biệt của hệ thống túi khí.
Bộ phận này sẽ quyết định triển khai hoạt động túi khí theo cách hợp lý nhất. Khi nhận ra thời điểm triển khai hoạt động của túi khí hợp lý, ACU bắt đầu bơm phồng các túi khí.
Với tốc độ 320km/h khi bung ra diễn ra khoảng 0,04 giây. Đây là một quá trình sảy ra rất nhanh chóng để bảo vệ tài xe một cách nhanh chóng nhất.
– Tác dụng của túi khí trên xe ô tô
Túi khí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự an toàn của người lái và hành khách trên xe, vì nó giúp giảm thiểu nguy cơ thương tích do va đập trong trường hợp xảy ra tai nạn. Các va đập này có thể đến từ tác động của nội thất xe hay vật thể bên ngoài: phương tiện khác, cây cối,… khi xảy ra va chạm tạo thành.
Tùy vào từng loại và vị trí được lắp đặt mà túi khí sẽ có tác dụng bảo vệ khác nhau. Chẳng hạn như túi khí đặt phía trên vô lăng, taplo được thiết kế để bảo vệ phần đầu và ngực; túi khí phía dưới khu vực để chân giúp phân phối lực tác động để giảm áp lực lên chân và cả phần bụng của người ngồi bằng cách kiểm soát chuyển động của phần dưới cơ thể.
1.2 Các loại túi khí trên ô tô?
Hệ thống túi khí được lắp đặt ẩn ở một số vị trí trong khoang và phần khung xe. Theo vị trí lắp đặt, hệ thống này thường gồm 4 loại là túi khí phía trước, túi khí sườn, túi khí đầu gối, túi khí dây đai an toàn.
Túi khí phía trước
Đây là loại túi khí phổ biến, thường có ở tất cả các loại xe ô tô. Túi khí phía trước có nhiệm vụ bảo vệ phần đầu và ngực của người ngồi trước khi có va chạm trực diện và được kích hoạt khi góc đâm khoảng 30 độ tính về cả 2 bên đầu xe.
Túi khí sẽ chỉ được kích hoạt trong trường hợp cần thiết. Nếu mức độ va chạm thấp hơn mức giới hạn, túi khí sẽ không phồng lên.
Túi khí sườn
Túi khí sườn có tác dụng bảo vệ phần ngang đầu và ngực người ngồi khi xe xảy ra các va chạm từ bên hông. Có 3 loại chính là túi khí rèm để bảo vệ ngang đầu, túi khí hông để bảo vệ ngang ngực và túi khí kết hợp cả 2. Khi thân xe chịu tác động mạnh hoặc nhiệt độ trong xe trên 150 độ C thì túi khí sườn sẽ được kích hoạt.
Túi khí đầu gối
Khi xe có va chạm trực diện, túi khí đầu gối sẽ được kích hoạt để bảo vệ phần khớp gối của người ngồi trên xe.
Túi khí trên dây an toàn
Phần ngực của người ngồi trên xe luôn cần được bảo vệ, túi khí trên dây an toàn có nhiệm vụ hạn chế thương tổn phần cơ thể này khi có va chạm xảy ra.
1.3 Dấu hiệu xe ô tô báo lỗi túi khí
Xe ô tô báo lỗi túi khí là một tình huống nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người lái và hành khách. Dưới đây là 4 dấu hiệu xe ô tô báo lỗi túi khí cần quan tâm.
Cảm biến điện tử dừng hoạt động
Bộ cảm biến này sẽ nhận các tín hiệu để xác định gia tốc giảm dần của xe, nếu đủ lớn hoặc có va chạm sẽ kích bung túi khí. Nếu cảm biến giảm độ nhạy bén sẽ khiến túi khí được kích hoạt chậm hơn, điều này có thể dẫn đến những sự cố không đáng có.
Túi khí tự bung khi xe vẫn hoạt động bình thường
Nguyên nhân có thể do module túi khí bị hư hỏng khi tiếp xúc với hơi ẩm, nước thường xuyên nên bị nhiễu loạn mạng điện. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của người lái hoặc cản trở quá trình điều khiển.
Đèn báo túi khí nhấp nháy
Đây cũng là một trong những lỗi thường gặp với túi khí. Lỗi này có thể do túi khí hết pin nếu ô tô dùng pin hoặc túi khí đã hết hạn sử dụng. Lúc này hệ thống điều khiển túi khí sẽ tắt toàn bộ chức năng.
Đèn túi khí sáng liên tục khi xe đang nổ máy
Đèn túi khí thông thường sẽ sáng lên khi xe khởi động và tắt sau vài giây sau khi xe ổn định. Nếu đèn biểu tượng vẫn bật sáng khi xe đang chạy thì đó là dấu hiệu túi khí bị lỗi. Nguyên nhân có thể do giắc điện bị đứt, ô-xy hóa hoặc cảm biến có vấn đề, cuộn dây nối túi khí với vô lăng bị lỗi…
1.4 Thay túi khí ô tô hết bao nhiêu tiền?
Giá túi khí ô tô tuỳ thuộc vào loại túi khí và mẫu xe.
– Giá túi khí phía trước ghế lái (hay túi khí vô lăng) dao động từ 2,5 – 8 triệu đồng.
– Giá túi khí phía trước ghế phụ dao động từ 2 triệu – 7 triệu đồng.
Xem thêm:
- Hướng dẫn học và thi bằng lái xe ô tô B1 và B2 chi tiết nhất 2024
- 3 Dấu hiệu xe hết nước làm mát và cách xử lý chỉ trong 5 phút
- Chi phí mua xe ô tô cũ cập nhật mới nhất 2024
2. 6 lưu ý khi sử dụng túi khí ô tô
Dẫu hệ thống túi khí là một trong những thiết bị hỗ trợ an toàn. Tuy nhiên, trong khi sử dụng cần lưu ý một số điểm dưới đây để có thể đảm bảo sự an toàn, tránh những tai nạn không đáng có cũng như giúp túi khí hoạt động hiệu quả nhất:
2.1. Không tự ý lắp thêm khung cản trước
Các cảm biến giúp phát hiện va chạm và truyền tín hiệu cần bung túi khí nằm ở phía trước xe. Do đó, nếu xe được lắp thêm khung cản trước thì có thể khiến các cảm biến không nhận biết được tai nạn một cách chuẩn xác nên hệ thống túi khí có thể sẽ không bung kịp thời để bảo vệ người ngồi trên xe. Trong một số trường hợp, túi khí thậm chí không bung do khung cản trước lắp thêm.
2.2. Tuyệt đối không ngồi gác chân lên táp-lô
Nhiều người ngồi ghế phụ phía trước có thói quen gác chân lên táp-lô cho đỡ mỏi. Tuy nhiên, nếu xe được trang bị túi khí trước bên ghế phụ thì việc làm này rất nguy hiểm. Nổ túi khí ô tô có thể làm gãy chân. Đã có một số trường hợp, người ngồi bên ghế phụ thậm chí còn bị mất chân do lực tác động quá mạnh từ túi khí.
Ngay cả với các xe không được trang bị túi khí phía trước ghế phụ thì việc gác chân lên táp-lô cũng vẫn nguy hiểm vì có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn.
2.3. Không ngồi quá gần vô-lăng
Nhiều tài xế có thói quen chỉnh ghế ngồi sát vô-lăng vì nghĩ như vậy sẽ giúp quan sát phía trước tốt hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra va chạm, việc túi khí bung ra có thể gây chấn thương vùng mặt và ngực của tài xế.
Ngoài ra, việc tài xế ngồi quá sát vô-lăng sẽ khiến túi khí không có đủ thời gian để nổ hết cỡ và tạo lớp đệm đủ an toàn để bảo vệ tài xế. Tốt nhất, các tài xế nên giữ khoảng cách an toàn với vô-lăng. Việc đầu tiên khi ngồi vào ghế lái là hãy bỏ hết vật dụng trong túi quần ra hốc để đồ trung tâm hoặc các khu vực để đồ khác, bởi chúng sẽ gây ảnh hưởng một phần tới tư thế lái.
2.4. Luôn cài dây an toàn khi đi ô tô
Túi khí ô tô luôn được thử nghiệm cùng với dây an toàn, một số xe thậm chí không kích hoạt túi khí nếu dây an toàn chưa được cài. Vì thế để tránh cho người ngồi trên ghế khỏi bị chấn thương nếu túi khí bung tốt nhất nên cài dây an toàn mỗi khi tham gia giao thông.
2.5. Không tự ý bọc ghế trên xe
Loại túi khí này được lắp bên trong ghế ngồi, và bọc ghế được thiết kế để dễ dàng rách bung ra khi nổ túi khí. Do đó, việc sử dụng bọc ghế với xe có trang bị túi khí bên có thể cản trở việc bung túi khí, từ đó gây hại cho người ngồi trong xe.
2.6. Không bày đồ trang trí bừa bãi trên táp-lô
Nhiều người có thói quen “trang trí” cho “xế cưng” bằng những đồ trang trí trên khoang lái. Việc trưng bày hoặc dính các vật trang trí trên táp-lô cả có trang bị 2 túi khí trước có thể gây nguy hiểm nếu xảy ra va chạm và túi khí bung ra.
Khi xảy ra va chạm, túi khí sẽ nổ với tốc độ rất nhanh (10-25 phần nghìn giây) và tạo ra lực rất mạnh. Do đó, các hãng xe, cũng như các tổ chức an toàn, đều khuyến cáo không nên trang trí hoặc lắp thêm đồ vật trên hệ thống túi khí của lái xe và hành khách phía trước điều này cực kỳ nguy hiểm.
2.7 Một số lưu ý khác
– Do hệ thống túi khí khi nổ sẽ có tốc độ rất nhanh cũng như tạo ra lực rất mạnh, mọi người không để hoặc lắp thêm đồ vật trên hệ thống túi khí của lái xe và hành khách phía trước.
– Người ngồi trên xe cũng không nên ngồi quá gần hệ thống túi khí, người lái nên tập cách ngồi đúng vị trí, cầm vào vành tay lái, không nên để tay lên hệ thống túi khí.
– Túi khí sau khi nổ sẽ rất nóng, không nên chạm vào các bộ phận bên trong túi khí sau khi nổ, điều này sẽ khiến bạn bị bỏng.
– Không cho trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế phía trước, điều này rất nguy hiểm khi hệ thống dây đai không đủ điều kiện (lực kéo) để hoạt động nên khi hệ thống túi khí bung ra, sẽ rất nguy hiểm khi trẻ nhỏ bị túi khí đập vào người.
– Không bao giờ được được dùng ghế trẻ em lắp quay lưng về phía trước đối với xe có trang bị túi khí ghế hành khách phía trước.
Nhìn chung, túi khí là một bộ phận khá quan trọng giúp đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển đặc biệt là khi xảy ra những va chạm đáng tiếc. Trên đây là những thông tin về hệ thống túi khí cũng như những lưu ý khi sử dụng hệ thống túi khí mà ai cũng nên bỏ túi để tránh các tai nạn không đáng có cũng như sử dụng túi khí an toàn hơn.
(*) Lưu ý nội dung của bài viết thể hiện quan điểm của người viết. Ban biên tập không chịu trách nhiệm nếu người dùng sử dụng nội dung bài viết để trở thành căn cứ cho những tác nghiệp nào đó (mua xe cũ, bán xe cũ, chọn xe cũ). Ban biên tập chỉ cố gắng cung cấp thêm các góc nhìn cho người dùng thêm thông tin để quyết định lựa chọn sản phẩm phù hơp với cá nhân người dùng.